Hợp tác xã mây tre đan Tăng Tiến – BẮC GIANG

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, xã Tăng Tiến, Việt Yên (Bắc Giang) là nơi có nghề đan lát truyền thống nổi tiếng từ rất lâu đời. Làng có lịch sử hình thành nghề đến nay đã hơn 300 năm, khoảng vào thời nhà Hậu Lê và ngày một phát triển lớn mạnh.

Mây tre đan Tăng Tiến thuộc thôn Phúc Tằng nằm kề bên Quốc lộ 1A, cách Tp Bắc Giang 7km về hướng Tây, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất Việt Yên văn hiến của Bắc Giang, không chỉ có ngôi danh lam cổ tự Bổ Đà là trung tâm phật giáo lớn đất Bắc Giang mà còn là nơi khai sinh ra nghề đan lát truyền thống. Từ bao đời nay, người dân Tăng Tiến vẫn say mê với nghề đan lát. Đến với Tăng Tiến, thấy nhà nhà, ai ai cũng làm nghề, ai ai cũng tay mành, tay nan lướt nhanh tạo ra những chiếc rá, chiếc rổ, chiếc mành… mới thấy hết được nghệ thuật đan lát, bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Đã từ lâu làng quê yên bình là điểm đến của nhiều thương lái cùng những du khách nước ngoài có sự quan tâm, yêu thích cây tre, cây mây cùng những sản phẩm làm ra từ mây tre, hình ảnh biểu trưng của người Việt. Chính vì thế mà sản phẩm mây tre đan nơi đây không ngừng vươn xa ra khắp các Châu như Á, Âu, Mỹ và châu Phi. Không chỉ có nghề truyền thống lâu đời, mặt hàng đẹp mà mẫu mã, kiểu dáng, sản phẩm ngày càng đa dạng đã chắp cánh cho mây tre đến được tay những người yêu thích sản phẩm mây tre.

Một nghệ nhân tiêu biểu của làng là anh Tỉnh, anh đặc biệt say mê với nghề đan mây tre của Phúc Tằng và không ngừng học hỏi thêm, đưa ra ngày càng nhiều những sản phẩm đa dạng. Anh lưu giữ những bí quyết mà không ai có được, gia truyền qua từng thế hệ là nhuộm mành, nan tre để tạo ra nhiều màu đồng thời bảo quản cho nan không bị mối mọt, giữ sản phẩm được lâu hơn, bền đẹp cùng thời gian. Anh thành lập Hợp tác xã sản xuất mây tre cùng những sản phẩm mây tre như: mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi sách, mành tre cửa… xuất khẩu ra nước ngoài mành tăm cùng các sản phẩm từ mành tăm. Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng vì ngoài nan, anh làm thêm mành tăm, sản phẩm từ mành tăm xuất khẩu.

Để làm nên một sản phẩm đối với người thợ đó là một nghệ thuật, sản phẩm mây tre Tăng Tiến càng đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn của người thợ mới tạo nên được. Những cây tre đem về phải mang cắt thành những đoạn nhỏ rồi đến tay người thợ. Họ mang chẻ ra thành những chiếc nan nhỏ như những chiếc tăm nhưng có độ dài 30 đến 40 cm, đặc biệt khó khi họ chẻ thủ công bằng tay. Thế nhưng, họ chẻ rất nhanh, điêu luyện và những chiếc tăm đều tăm tắp. Sau đó, từng bó tăm được đem phơi khô. Một khâu đặc biệt quan trọng là nhuộm tăm, chỉ có anh Tỉnh, nghệ nhân duy nhất nhuộm được với những bí quyết gia truyền, “không ai có thể làm thay” để tạo màu, độ bền cho mành tăm, chống mối mọt, đặc trưng của Tăng Tiến. Để tạo ra những sản phẩm bền đẹp, người thợ đem dệt từng chiếc tăm nhỏ thành mành, với những màu chỉ khác nhau kết hợp với màu của tăm mà tạo nên những sản phẩm đa màu sắc, mẫu mã, vừa đẹp mà vừa bền.

Một làng nghề nổi tiếng, có lịch sử lâu đời nay hương nghề đã bay xa, sản phẩm có mặt gần như khắp thế giới, tương lai sẽ thu hút được nhiều du khách yêu mến và muốn khám phá đến với đất Bắc Giang.

Địa chỉ: Thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Tel: (0084)240 3874723; Mobile: (0084)903286447
Website: http://maytretangtien.com

Làng nghề dệt vải Lục Nam

Cùng với thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, trong những năm gần đây Bắc Giang đã quan tâm tới việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Đặc biệt tại các vùng dân tộc thểu số khôi phục và phát triển nghề truyền thống còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người đang sinh sống trên địa bàn và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Bản Khe Nghè xã Lục Sơn huyện Lục Nam, có có 60 hộ gia đình với 276 nhân khẩu,100% là đồng bào dân tộc Cao Lan.Trước đây bất kể người con gái Cao Lan nào cũng đều rất khéo thuê thùa, dệt vải và bản Khe Nghè vốn được biết đến với nhiều nghề truyền thống như dệt vải, làm giấy dó và bốc thuốc nam. Tuy nhiên nét văn hóa truyền thông này đã dần bị mai một. Nhằm khôi phục nghề truyền thống tại đây UBND huyện Lục Nam đã đầu tư triển khai đề án”Khôi phục nghề dệt vải truyền thống của người dân tộc Cao Lan”. Ông Phạm Văn Thể Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết lúc đầu triển khai đề án cũng gặp phải một số khó khăn do từ nhiều năm nay nghề dệt vải ở đây đã không còn được duy trì song cùng với sự nỗ lực của chính quyền, sự tâm huyết với nghề của các nghệ nhân nên nghề dệt vải truyền thống của người Cao Lan đã được khôi phục. Các nghệ nhân trong bản đã bỏ rất nhiều công sức tìm lại những mẫu trang phục xưa, rồi mầy mò nhớ lại các công đoạn se sợi dệt vải, may áo, yếm, dải, thắt lưng, khăn ngang, khăn vuông, xà cạp….để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Cao Lan sau đó nghề được truyền dạy cho con cháu. Một trong những nghệ nhân tâm huyết với việc tìm lại nghề truyền thống của dân tộc Cao Lan ở Khe Nghè phải kể đến bà Trạc Thị Ngọt. Vốn là người con gái Cao Lan bà Ngọt đã được mặc những trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình khi về nhà chống. Nên dù đã cao tuổi song bà vẫn miệt mài, tâm huyết đi tìm lại nghề truyền thống. Bà đã từng lặn lội đến nhiều nơi có người Cao Lan sinh sống ở các tỉnh phía Bắc để học hỏi, sưu tầm tìm mượn những mẫu áo váy của người Cao Lan xưa về nghiên cứu, ghép nối và truyền dạy cho con cháu.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cao Lan đã được khôi phục từ năm 2007- 2008 thông qua cách truyền nghề trực tiếp. Những nghệ nhân trong bản được mời đến để dạy nghề và truyền kinh nghiệp cho lớp trẻ, nhiều chị em phụ nữ trong bản đã rất hào hứng tham gia khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Bà Tống Thị Lâm – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Khe Nghè cho biết hầu hết chị em trong chi hội phụ nữ đã tham gia các lớp truyền nghề, nhiều chị em đã thành thạo các công đoạn se sợi, dệt vải và đã may được những bộ áo yếm truyền thống, những dải thắt lưng, sà cạp, những vật dụng nhỏ trang trí bằng chất liệu vải truyền thống của người Cao Lan.

Việc khôi phục thành công nghề truyền thống đặc sắc tại Khe Nghè đã có một ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan, đồng thời góp phần tạo ra những sản phẩm đặc sắc của địa phương phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Bản Khe Nghè đã có 15 khung thêu và 30 người thợ lành nghề… Tuy nhiên hiện nay sau khi hết thời gian thực hiện của dự án, nghề dệt vải ở Khe Nghè lại đang đi vào ngõ cụt. Bài toán muôn thủa thiếu đầu ra cho sản phẩm đã khiến nghề dệt vải ở đây vừa được khôi phục đã lại có nguy cơ tan rã. Để phát triển nghề dệt truyền thống của người Cao Lan một cách bền vững và lâu dài các vấn đề về đầu tư sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của người lao động cần tiếp tục được quan tâm./.

Nghề thêu ren
Nghề thêu ren là một nghề truyền thống có ở Việt Nam từ ngàn năm, và được du nhập vào Bắc Giang từ rất lâu rồi. Các sản phẩm thêu ren của các nghệ nhân Bắc Giang đã khẳng định được vị thế của mình trên cả nước và trên thế giới, đã đạt được nhiều giải thưởng cao trong các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế

Sản phẩm được thêu tay bằng chỉ thô, trên chất liệu vải thô, silk, lụa Phước Thịnh không màu, không phai. Các sản phẩm như: Tranh thêu phong cảnh, chân dung, tứ quý, tứ đại mỹ nhân … áo Kimônô thêu rồng, công, hạc, khăn thêu hoa, khăn trải bàn thêu….Các sản phẩm được kết tinh từ sự khéo léo của nghệ nhân, sự tỉ mỉ và công phu của người thợ, bàn tay tài hoa của người hoạ sỹ, lối sống và văn hoá của ngàn xưa truyền lại.

Hiện nay các sản phẩm thêu ren của các nghệ nhân Bắc Giang được xuất sang một số nước: Anh, Ba Lan, Đức, Nga, Tây Ban Nha…

Địa chỉ: Tiểu khu I, thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
Mobile: (0084)912650207

Làng nghề dệt vải chàm – Bắc Cạn
Dệt vải chàm là một nghề truyến thống, tồn tại lâu đời ở những vùng người Tày của tỉnh Bắc Cạn. Trong nền kinh tế thị trường, mặc dù các loại vải sản xuất công nghiệp đã len lỏi đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, nhưng nghề dệt vải chàm truyền thống ở Bắc Cạn vẫn đang dược bà con các dân tộc nơi đây gìn giữ.

Ở xã Cao Tân, huyện Pác Nặm ngày xưa nhà nào cũng có một khung cửi dệt vải chàm. Vào mùa thu hoạch bông, nhà nhà lại mắc khung cửi để dệt vải. Cả xã luôn nhộn nhịp bởi tiếng thoi lách cách. Mọi đồ dùng như váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải chàm tự dệt. Nhưng mấy năm gần đây nhiều hộ dân đã không còn trồng bông, những khung cửi cũng bị lãng quên, một số hộ đã phá để làm củi. Số hộ gìn giữ được nghề dệt vải chàm truyền thống còn rất ít.

Trong số ít hộ còn giữ được nghề dệt vải chàm có gia đình bà Mô Thị Ngọ ở bản Nà Quạng, xã Cao Tân. Bà Ngọ tâm sự: “Thời chúng tôi, con gái khi về nhà chồng mà có nhiều vải chàm thì được coi là giỏi giang, chăm chỉ và được mọi người quý mến. Đó là nét đẹp của người phụ nữ Tày với nghề trồng bông dệt vải. Năm nay con gái tôi đi lấy chồng, tôi muốn nó phải tự dệt một đôi chăn, đôi gối, màn, tấm ri đô và chiếc địu con bằng vải chàm làm của hồi môn khi về nhà chồng”.

Để dệt được những tấm vải chàm mất khá nhiều công sức và qua nhiều công đoạn. Bông thu hoạch về được phơi qua mấy nắng rồi đem cán để tách riêng phần hạt và phần bông. Sau khi bông đã được cán thì đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ. Tiếp đó là hồ sợi, công việc khá cầu kỳ. Hồ được làm từ ngô, 1 kg sợi dùng 1 kg ngô xay vỡ đôi, vỡ ba, đem ninh nhừ rồi vắt bỏ phần bã. Sợi bông được ngâm với tinh chất ngô khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đem phơi khô, đến khi nào những sợi bông tách nhau ra và cuốn thành những cuộn sợi dai và chắc. Tiếp đó là đưa lên khung cửi để dệt ra những tấm vải, tuy nhiên để có những tấm vải chàm thì cần phải qua bước nhuộm vải. Đây là công đoạn khá phức tạp, những cây chàm được lấy về ngâm cho nát nhừ và tinh lọc giữ lại phần tinh bột của chàm. Tinh bột chàm được đun sôi cùng với một số loại lá cây như cúc tần, chanh, thanh thảo, bưởi…, đến khi nước nhuộm nổi bọt mới được. Mỗi ngày vải được nhúng thuốc nhuộm ba lần, mỗi lần nhúng lại đem vải phơi khô rồi lại nhúng vào thuốc nhuộm. Sau ba lần nhuộm, vải được phơi khô và giặt sạch, sau một ngày lại lặp lại công việc nhuộm vải của ngày đầu tiên và cứ đủ 5 lần ngâm, giặt, phơi thì được một tấm vải chàm. Vải chàm tốt là vải có màu sắc đen ánh đỏ và rất bền.

Màu sắc và hoa văn vải chàm từ lâu đã làm nên nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những nghề truyền thống như nghề dệt vải chàm không chỉ là của một cá nhân, mà cần phải có định hướng của các ngành, các cấp Bắc Cạn, vừa nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, vừa giữ gìn những nét văn hóa độc đáo cho các thế hệ mai sau.

Làng nghề dệt vải của người dân tộc Dao

Nghề dệt vải của người dân tộc Dao ở tỉnh Bắc Kạn, vẫn giữ được nét văn hoá để phục vụ cho gia đình, lấy chàm nhuộm vải, làm thành những hoa văn cực nhỏ.

Cách làm là lấy 2 miếng ván gỗ khắc thành hoa nhỏ để kẹp vải, nấu sáp chảy ra, rồi trút vào trong lỗ khắc, sau mới bỏ miếng vải ra, lấy vải nhúng vào chàm. Vải đã thấm chàm rồi thì đem nấu cho chảy sáp ra, được hoa văn sặc sỡ rất tinh tế, đẹp và sáng sủa.

Cho đến nay ở tỉnh Bắc Kạn nhóm người Dao Tiền vẫn còn lưu giữ nghề này khá đầy đủ, một số nhóm người Dao như: Người Dao Đỏ, người Dao áo dài… Từ lâu đã quen với nghề dệt vải. Phụ nữ Dao Tiền thì phải biết dệt vải và dệt cả hoa văn trên các dây thắt lưng của mình. Phụ nữ Dao Đỏ lại có nghề làm dây túi (Sùi địp). Các kiểu dệt thắt lưng của người Dao Tiền, dệt dây túi của người Dao Đỏ rất đơn giản nhưng đòi hỏi tính kiên nhẫn của người phụ nữ cùng với sự khéo léo trong quá trình dệt vải.

Đặc biệt, việc tạo ra trang phục của người Dao là nghệ thuật thêu hoa văn trên vải của người phụ nữ. Họ chỉ thêu theo trí tưởng tượng chứ họ không bao giờ vẽ mẫu sẵn. Riêng đối với nghệ thuật tạo hoa văn trên váy của người Dao Tiền Bắc Kạn hiện nay vẫn giữ được nét cơ bản. Đó là nghệ thuật tạo hoa văn qua việc chấm, vẽ bằng sáp ong. Tuy nhiên, người dao chỉ dệt vải trong lúc nhàn rỗi.

Làng nghề tre trúc Xuân Lai – BẮC NINH

Làng nghề Tre trúc Xuân Lai thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Cách Hà Nội khoảng 30 km) được xem là cái nôi của tre trúc, người tiêu dùng đã quen với những cán cờ, cán quốc, thang tre hay tre trúc ốp tường xưa nay, ngày nay Xuân Lai còn nổi tiếng với các sản phẩm nội thất mỹ nghệ…từ tre, trúc khác, mặt hàng lớn như sa lông, xích đu, giá sách, nhà tre, bàn café, tủ …nhỏ như lót cốc, mắc áo, lọ hoa…Đặc biệt, các sản phẩm từ tre có mầu nâu đen bóng mà không phải do sơn.

Các cụ ta ngày xưa chỉ dùng chiếu cói mà còn dùng cả chiếu tre, bàn ghế gỗ mà còn dùng cả bàn ghế tre, tủ tre…. Những đồ dùng và vật trang trí bằng tre được phối kết vững trắc cả về hình khố mầu sắc bền đẹp và có giá trị sự dụng cảo bởi sự tiện lợi và thoải mái của Cây tre quê hương. Chiếu được những thanh tre mảnh, nhẵn đan chặt vào nhau bằng dây mây. Chiếu này nằm thoáng mát và kiêm luôn cả giát giường. Chiếu tre thủ công có hai loại: Đen và Trắng. Loại đen để trần thanh tre, loại đen do một ” công nghệ” đặc biệt mà dân làng Xuân Lai – Gia Bình tự hào về sự độc quyền đem lại một biên độ mầu hoà lẫn những cánh gián v ớ i gụ khó lẫn vào đâu được. Vật liệu để làm nên nhiều mặt hàng độc đáo trong đó có chiếu, tranh tre, đồ nội thất…, gọi là tre hun.

Sau khi được “cạo trấu” ngâm dưới ao vài tháng và một vài khâu khác, tre không phải gác bếp cho dính bồ hóng mà được hun trong lò dưới đất, tre gác lên trên, đắp kín gằng rơm chộn đất sét. lò này ” chạy” bằng rơm, chỉ có khói không có lửa và được chát kín 4 ngày đêm, chỉ trừ những lúc tiếp nhiên liệu. Sản phẩm được dỡ ra trở nên nhẹ, dai và không phai mầu, chống mối mọt. Các sản phẩm làm từ tre và được hun theo phương thức nói trên theo người dân nơi đây kể lại từ 20-25 năm.

Hiện nay, Làng nghề Xuân lai tiếp tục được các nghệ nhân gìn giữ và Phát triển với những sản phẩm được trưng có giá trị sử dụng và nghệ thuật cao như Tranh tre, nội thất bằng tre và cả những công trình kiến trúc, khuôn viên đựơc thiết kế trang trí từ tre hun Xuân Lai. Sản phẩm của làng Xuân lai không chỉ được người dân trong nước đón nhận màcòn được bè bạn quốc tế biết đến qua các tour du lịch, qua các doanh nghiêp xuất khẩu đồ mỹ nghệ của Việt Nam và Quốc tế.

Nghề đan mây tre ở Du Tràng

Không quá náo nhiệt, sầm uất như các nghề thủ công khác, sự lặng lẽ và bền bỉ đã giữ cho Du Tràng (Giang Sơn, Gia Bình) một nghề với những sản phẩm độc đáo từ mây, tre. Nghề đan mây tre ở đây có từ hàng chục năm, trở thành nghề phụ quan trọng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Thôn Du Tràng có 360 hộ thì hơn 100 hộ làm nghề đan mây tre. Hộ mới vào nghề cũng được 8 năm; nhiều hộ có “thâm niên” 30 năm. Ông Nguyễn Đình Đà, 58 tuổi, làm nghề đã hơn 20 năm, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao, nhưng có việc làm thường xuyên kể cả người già, trẻ em đều có thể làm được, trung bình mỗi ngày thu nhập từ 20 đến 30 nghìn đồng/ người”.

Nghề đan mây tre nơi đây bắt đầu từ những năm 1980 khi trong làng có một vài người dân đi làm thuê ở Hà Tây trước kia, mang nghề về làng. Ban đầu chỉ đan những dụng cụ phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: Rổ, rá, thúng, nong, nia… Đến nay, các sản phẩm được đa dạng hơn. Từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những chiếc giỏ, bình, đĩa đựng hoa đủ các kích cỡ, màu sắc đẹp và tinh xảo. Để hoàn thiện một chiếc giỏ hoa phải mất 4, 5 công đoạn từ chẻ nan, đặt đáy, đan, quấn miệng. Mỗi sản phẩm làm ra tuỳ theo từng kích cỡ mà có giá khác nhau: loại nhỏ nhất 2 đến 3 nghìn đồng chiếc; giỏ đựng lẵng hoa to từ 5 đến 10 nghìn đồng chiếc. Mỗi ngày, với người đã làm quen tay có thể hoàn thành từ 30 đến 40 sản phẩm theo dây chuyền, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 600 đến 900 nghìn đồng/ người. Để tiếp tục nhân rộng và phát huy nghề đan mây tre, đầu năm 2008 địa phương đã thành lập HTX Toàn Phong cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. HTX thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện về dạy nghề cho các xã viên. Qua một thời gian đào tạo, đến nay HTX đã có 100% xã viên biết nghề, trong đó 80% đã sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng đúng theo yêu cầu. Hiện, HTX mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong đã đi vào sản xuất với nhiều mặt hàng như: khay đựng trầu, giỏ, làn, đĩa, bình, mâm hoa quả, … Vừa qua, HTX đã xuất một lô hàng gần 2.000 sản phẩm các loại, thu về hơn 10 triệu đồng. Nghề này có thể làm vào thời gian nông nhàn, mỗi năm xã viên chỉ làm 8 tháng, còn lại lo việc đồng áng. Nhiều xã viên nhận nguyên liệu về cho người thân trong gia đình mình cùng làm vào buổi tối, kể cả trẻ em hay người già.

Thời gian tới, HTX Toàn Phong tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, HTX sẽ chủ động tìm đầu mối trực tiếp thu mua nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm không qua trung gian, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Với thuận lợi như hiện nay sản phẩm làm ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy, nên HTX đặt kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ sản xuất nhiều mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Theo chị Nguyễn Thị Thinh, Chủ nhiệm HTX Toàn Phong thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là mặt bằng sản xuất, bên cạnh đó vấn đề vốn cũng khiến cho làng nghề gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hợp nhất khâu bao tiêu sản phẩm và duy trì phát triển nghề mới ở nông thôn, chính quyền địa phương cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ kịp thời, đặc biệt mặt bằng sản xuất, vấn đề vốn, thị trường… nhằm tạo điều kiện cho nghề đan mây tre phát triển ổn định, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Làng nghề dệt Hồi Quan

Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương qua Quốc Lộ 1 A, 1 B khoảng 20 km rẽ trái theo con đường đất khoảng chừng hơn 1km, chúng ta tới với làng dệt Hồi Quan, xã Tương Giang (Từ Sơn). Đất Hồi quan tự hào có dòng sông Tiêu Tương thơ mộng chảy qua một thời, tuy nhiên ngày nay dòng sông xưa đã thành ruộng, thành đường của xã Tương Giang, người dân vẫn nghe văng vẳng tiếng sáo Trương Chi trong hoài niệm gợi lại mối tình giữa chàng với nàng Mỵ Nương qua câu ai oán.

” Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”

Ẩn sau luỹ tre làng là một báu vật truyền thống đến nay vẫn còn được gìn giữ và phát triển, đó chính là nghề dệt Hồi Quan.

Đến với Hồi Quan, bước tới cổng làng đã tạo cho du khách sự thoải mái của làng xã Việt Nam. Từ dây, con đường lớn lát gạch chỉ đã mòn đi theo thời gian, nét độc đáo của các làng cổ Bắc Bộ còn lại, đi sâu vào từng xóm ngõ chúng ta nghe rộn rã tiếng thoi đưa của các khung cửi vang vang từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong làm ta lắng đọng tâm hồn.

Làng Dệt Hồi Quan hiện nay có khoảng 898 hộ (3.650 khẩu) thì có tới 90% làm nghề dệt, trong đó chiếm khoảng 10 % là các hộ sản xuất lớn.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Hồi Quan rất thạo nghề canh cửu. Trước cách mạng tháng 8, hầu như nhà nào cũng có một khung cửu, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm. Sản phẩm chính của làng nghề này là vải khổ hẹp (40cm), vải màn, đũi, khăn mặt…Với nghề dệt, làng xóm quanh năm nhộn nhịp, rộn tiếng thoi đưa, mọi người sống chan hoà vì nhau hơn. Từ sáng đến tối nhân lực được huy động tối đa cho sản xuất, mỗi người một việc, năng động, nhiệt tình, khéo léo và cần cù, vợ ngồi dệt vải hay ra chợ bán, chồng thì mắc, kẹo, đậu; người già, trẻ nhỏ thì quay ống, đến khi màn đêm buông xuống cả nhà mới ngưng tay chính, trả thế mà có câu ca:

” Hồi Quan là đất cửi canh
Đến xâm xẩm tối sắp sanh chơi bời”

Sự tảo tần sớm hôm của người Hồi Quan đã giữ được nghề truyền thống, tạo ra thu nhập đáng kể cho xã hội, kinh tế gía đình ngày càng nâng lên.

Đến với Hồi Quan, du khách đến với làng văn hoá mà từ đời vua Tự Đức (1872) đã ban biểu ” Mỹ tục khả phong” (Làng có tục đẹp đáng biểu dương) đến với tiếng thoi đưa rộn rã, chứng kiến sự cần cù sớm hôm của người dân nơi đây nhằm tạo ra những sản phẩm có nhất lượng cao nhất phục vụ người tiêu dùng gần xa.

Làng nghề dệt chiếu – BÌNH ĐỊNH

Thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) có hơn 20 ha đất nhiễm phèn nặng, không thể canh tác các loại cây lương thực nào khác ngoài cây lát. Cũng chính nhờ cây lát đã giúp người dân nơi đây có nghề dệt chiếu.

Chúng tôi đến thôn Công Thạnh thấy bạt ngàn cây lát được bà con phơi bên lề đường, hầu như nhà nào cũng có từ 1- 2 khung dệt. Hộ có sẵn ruộng trồng lát thì có nguồn thu cao hơn người làm gia công hoặc mua nguyên liệu các nơi về dệt. Hiện nay, thôn Công Thạnh có hơn 400 khung dệt thủ công và 13 máy dệt chiếu công nghiệp.

Công suất dệt bằng máy nhanh gấp 4 lần dệt tay. Sản phẩm của hai cách dệt đều cho chất lượng và giá thành như nhau. Chiếu của làng hiện nay được tiêu thụ khắp vùng và lên tận Tây Nguyên. Trung bình mỗi năm, nơi đây SX và bán ra thị trường khoảng từ 700- 800 ngàn mét vuông chiếu, giải quyết cho hơn 500 lao động nông nhàn của địa phương, tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Nếu thợ giỏi trung bình hàng ngày với hai công lao động phụ, họ có thể làm được từ 2,5 đến 3 đôi chiếu. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 30.000-50.000 đ/người.

Theo cụ Ngô Tường (80 tuổi) cho hay, từ khi mới lên 20 tuổi đã có nghề dệt chiếu. Nghe các bậc cao niên trong thôn nói lại là nghề dệt chiếu này có thể có nguồn gốc từ thôn Chương Hoà (Hoài Châu Bắc) ngày nay. Nghề dệt chiếu Công Thạnh vẫn SX theo lối truyền thống. Nhiều người già như bà Huỳnh Thị Tính (78 tuổi), Phạm Thị Pha (75 tuổi)… vẫn còn đam mê với nghề.

“Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng không vất vả dầm mưa dãi nắng; không đòi hỏi thời gian lao động; các thành viên trong gia đình đều có thể dệt được. Nhờ thuận lợi vậy nên nên thu nhập chung cho cả gia đình cũng tương đối ổn định. Đặc biệt, lớp người cao tuổi của làng vẫn sắt son với nghề dệt chiếu. Hàng chục người dệt cao niên đều có chung suy nghĩ “ông cha ngày xưa cũng sống chết với nghề, chúng tôi hôm nay cũng thế”. Có như vậy con cháu mới theo gương giữ lấy nghề tổ”, ông Tường bộc bạch.

Điều đáng quan tâm, hầu như tất cả bà con trong thôn đều dệt bằng tay nên năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp. Sản phẩm chiếu dệt làm ra chủ yếu là dạng trơn (chưa có công đoạn in hoa văn) đầu ra cho sản phẩm không ổn định chỉ dựa vào các chủ nậu nên giá thành hạ, đôi khi người dệt còn bị ép giá. Theo cụ Tường, làng nghề hiện nay chủ yếu dệt 4 loại chiếu từ 0,8 đến 1,6 mét, giá cả khoảng 50.000 đ/đôi (loại 1,6 mét) và 20.000 đ/đôi (loại 0,8 mét).

Điều đáng phấn khởi là Công Thạnh đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, được các cấp, các ngành và địa phương cùng hỗ trợ xây dựng con đường trong thôn có tổng chiều dài trên 1,1km với kinh phí gần 1 tỷ đồng, giúp cho bà con thuận lợi hơn trong đi lại, giao thương…


Làng nghề đan chiếu cói – CAO BẰNG

Làng nghề đan chiếu cói ở xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã có từ lâu đời.

Làng nghề đan chiếu cói ở xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã có từ lâu đời. Người dân địa phương ở đây bằng đôi tay khéo léo tự đan lát tạo ra sản phẩm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của họ. Sản phầm được đan bằng cây Mạy Tháng với đặc tính nhẹ, bền đẹp, có thể gấp nhỏ, không bị gẫy, dập và rất thuận tiện trong vận chuyển. Chiếu cói Quang Trọng luôn được cải tiến mẫu mã, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và được đem bán tại Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, các tỉnh miền Nam…

Làng chiếu Cẩm Nê – ĐÀ NẴNG
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía tây nam, làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống.

Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn, những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng. Theo lời những vị cao niên của địa phương, nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa truyền vào miền nam khoảng từ thế kỉ 15, lúc vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sát nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm, thử thách bởi chiến tranh ly tán, có lúc bị cạnh tranh dữ dội do các loại chiếu nilông ngoại nhập, chiếu hoa Cẩm Nê vẫn âm thầm tồn tại bền bỉ.

Bằng những nguyên liệu đơn giản như lát (cói), đay và với một khung dệt kết cấu tinh tế, mỹ thuật, nghệ nhân làng Cẩm Nê đã cung cấp cho khắp nơi trong nam, ngoài bắc những tấm chiếu hoa đủ cỡ với những hoa văn trang trí đẹp. Ưu điểm của chiếu hoa Cẩm Nê là dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Đặc biệt mùa hè nóng bức, nằm trên chiếu Cẩm Nê sẽ cảm được cái mát lạnh, và vào mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm cùng với mùi hương đồng cỏ nội thơm dịu.


Làng nghề đan lát – HÀ GIANG
Hàng mây tre đan hình thành nên những mô hình HTX thủ công hoạt động hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao như HTX mây tre đan xuất khẩu ở Việt Quang (Bắc Quang), HTX nghề đan ở thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) cũng đã bước đầu gây sự chú ý của khách hàng. Nhiều đồ mỹ nghệ được sản xuất từ gỗ địa phương cũng đã được chào hàng ở khắp mọi nơi trong nước.

Nghề đan lát của các dân tộc ở Hà Giang đã từng có sự phát triển rất mạnh và chiếm vị trí quan trọng trong một thời kỳ với các chủng loại sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chức năng và cũng mang đặc điểm riêng của từng dân tộc, đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ cũng chính vì vậy, khách nước ngoài rất chuộng hàng tre đan ở đây và nghề đan lát Hà Giang Chính do nhu cầu sản xuất đó mà nghề đan lát ở Hà Giang được phát triển, không những sản xuất đủ dùng mà còn mang bán sang các vùng lân cận.

Vốn sinh sống trên các địa bàn vùng núi cao nên các dân tộc ở đây sử dụng các nguyên liệu chủ yếu là nứa, giang, vầu, tre gại, trúc, guột hay mây…, đây là những loại nguyên liệu thường được sử dụng nhiều nhất Và tuỳ theo loại nguyên liệu thì người dân đều có chức năng sử dụng riêng để phù hợp với từng loại sản phẩm như: vầ, giang thường chỉ dùng đan hòm đựng quần áo thúng, mẹt; tre dùng để đan gùi, quẩy tấu, nứa dùng để đan sọt, bồ đựng thóc… Nhưng hầu hết những sản phẩm đan lát của các dân tộc ở Hà Giang đều mang những đặc điểm riêng của từng dân tộc và đều có chứ năng sử dụng nhất định như:

Sản phẩm dùng trong vận chuyển; Gùi ( dân tộc Mông, Dao), quẩy tấu (dân tộc Mông), dậu gánh thóc (dân tộc Tày, Nùng)…hay trong sản phẩn làm đồ đựng: hòm đựng quần áo ( dân tộc La Chí, Dao)bồ đựng lúa, thúng, nong phơi (dân tộc Tày)

Người dân ở đây từ xưa đã rất khéo léo và tài tình trong việc phối hợp các loại vật liệu để tạo ra không chỉ sự đa dạng của sản phẩm mà còn tạo cho sản phẩm những nét tự nhiên hết sức quyến rũ… như mây để làm quai, cuốn cạp; cây guột, cây tế tạo nét hoang dã của núi rừng.

Sử dụng nguyên liệu là cây giang, cây nứa tưởng như đơn giản nhưng thực ra cũng khó. Nứa già làm cạp, nứa vừa làm nan, nứa non phải chuốt nan rất mỏng để tết hoa, tết các hoạ tiết trang trí. Đây là một nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì sau đan mới đẹp, phải biết chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng. Đã thế, nguyên liệu cũng phải được bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo, tránh mục mọt. Nứa, giang cạo tinh gặp nắng rất trắng, gặp mưa là mốc, có khi nan phải đem sấy khô, thậm chí phải ngâm chống mọt …

Cũng như các nghề thủ công khác ở Hà Giang, thủ công nghiệp trong đời sống các dân tộc chỉ mang tính chất bổ trợ, như việc làm ra các đồ dùng phục vụ sinh hoạt phục vụ sản xuất. Nghề phụ từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu riêng đã trở thành hàng hóa để trao đổi, đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân. khôi phục lại các làng nghề, ngành nghề truyền thống, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét tinh hoa văn hóa dân tộc.

Nghề làm diều sáo Đại Trà – Kiến Thụy – HẢI PHÒNG
Diều Huế thu hút người xem bởi nhiều hình dáng đẹp, màu sắc hài hoà nhưng diều sáo Hải Phòng lại hút hồn người chơi không phải bởi hình dáng, cách điều khiển dây mà bởi tiếng sáo khi trầm khi bổng, khi réo rắt, khi lại dặt dìu…

Cánh diều ngày ấy… bây giờ

Sau những ngày làm việc căng thẳng, nhiều người tìm đến thú chơi diều, một trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Chỉ cần có một chiếc diều, một khoảng đất trống, một chút gió là có thể thả diều và thỏa thích ngắm những cánh diều đùa giỡn với gió. Với những người yêu âm hưởng của thiên nhiên họ tìm đến với diều sáo- được mệnh danh là “dàn nhạc giao hưởng trên không trung”. Vì thế, chơi diều không những là một thú chơi mà người chơi còn là nghệ nhân.

Lễ hội thả diều ở Kiến Thụy

Ở Hải Phòng, nhiều nơi có diều sáo, nhưng không ở đâu có những cánh diều độc đáo như ở tổng Đại Trà (gồm địa phận 2 xã Đại Đồng, Đông Phương ở huyện Kiến Thụy). Nơi đây cho ra đời những chiếc diều có phần đuôi cuộn tròn mà người dân trong vùng gọi là “dái diều”. Theo các bậc cao tuổi ở Đại Trà, cánh diều được làm tại đây có nét độc đáo thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong tín ngưỡng “phồn thực” của người Việt.

Theo các nghệ nhân làm diều ở tổng Đại Trà, để làm được những chiếc diều có thể bay cao, cần sự hiểu biết về kỹ thuật và phải đầu tư nhiều thời gian. Cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu đến quá trình tạo dáng và hoàn chỉnh. Khung diều phải làm bằng tre bờ, chọn loại tre không quá già để có độ dẻo và bền chắc, sau đó ngâm nước khoảng 10 ngày để tre có độ dẻo và chống mối mọt. Khung cái của diều làm từ những đoạn tre thẳng, có 5 hoặc 9 mấu – ứng với chữ Sinh. Khung trên và khung dưới tuy có độ dài bằng nhau, nhưng chênh lệnh về kích thước (khung trên 10 thì khung dưới chỉ 7). Người làm diều phải tính toán cứ 1 m dài của cánh diều sẽ tương ứng với 30cm bụng (nếu như bụng 10 thì độ rộng của đuôi diều là 8).

Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, trước đây diều được bọc bằng giấy bản hoặc giấy xe chỉ (giấy để làm những cánh diều cổ), dùng hồ hoặc nhựa cây để dán, nhưng nay chủ yếu được làm bằng ni-lông và băng dính (có nơi dùng chỉ để khâu). Dây dùng để thả diều cũng thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, người chơi diều dùng tre nước bánh tẻ, chẻ ra, ngâm nước, vót nhẵn, đem luộc và dùng hoành gai nải sơn ta để đấu mối. Sau đó cuộn thành các cuộn dây để thả diều. Nhưng bây giờ người chơi dùng dây ni- lông hoặc cước, vừa nhẹ lại vừa dai, chắc.

Những cánh diều có thể bay được là nhờ sức nâng của gió. Địa điểm lý tưởng để thả diều là những bãi đất bằng rộng rãi, không vướng cây cối, đường dây điện, xa lối đi lại và đặc biệt là phải có gió. Nếu diều nhỏ, một người là có thể thả, nhưng nếu diều lớn, cần ít nhất 2 người trở lên. Một người giữ dây, một người thả (đâm). Khi thả, để diều ngược gió, hướng mũi diều lên trời chếch một góc khoảng 45 độ. Khi có gió, phóng mạnh diều lên cao, người cầm dây giật nhẹ để nâng diều lên và từ từ thả dây cho diều lên cao.

Những “nghệ sĩ” chơi diều sáo

Ở Đại Trà nhiều người có thể làm được diều, khoét được sáo, nhưng không mấy người hiểu âm luật, nắm được “hồn” của tiếng sáo. Trải qua thời gian, nhờ những người có tình yêu và lòng đam mê mà trò chơi diều sáo ở đây không bị mai một. Muốn làm được sáo hay phải có đủ 9 loại sáo theo bộ là: ầm, ì, bi, bu, bô, do, de, dí và dị. Người chơi diều phải biết nghe tiếng sáo kêu như thế nào, tuỳ theo âm sắc. Làm sáo diều đòi hỏi nhiều công phu mà người làm không khác gì nghệ sĩ thực thụ. Phần ống sáo được chọn từ cây nứa ngộ lấy trên rừng, bỏ ruột và chỉ lấy phần cật. Gỗ dùng để khoét đầu sáo phải là gỗ mít hoặc gỗ sến, nhưng hay nhất là dùng sừng trâu. Không phải sừng trâu nào cũng có thể dùng khoét đầu sáo mà chỉ lấy được một bên. Đó là phần sừng khi nằm, trâu chổng lên trên. Một bộ sáo gồm 3, 5 hoặc 7 chiếc. Kích cỡ các sáo trong 1 bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo lớn nhất còn gọi là sáo cái, sáo thứ 2 (sáo còi) có kích cỡ bằng 1/2 sáo cái, sáo thứ 3 có kích cỡ bằng 1/3 sáo thứ 2, sáo thứ 4 bằng 1/3 sáo thứ 3…

Một bộ sáo đạt tiêu chuẩn, trước tiên, sáo cái kêu 1 tiếng, sau đó sáo nhì kêu 3 tiếng và sáo 3 kêu 2 tiếng. Còn nếu bộ sáo nào mà các sáo kêu cùng một lúc thì hỏng, dân chơi gọi là “sáo gọi chó”. Người chơi ví tiếng sáo đàn kêu bằng câu sau: mẹ gọi (sáo cái), con thưa (sáo thứ 2), cháu vỗ tay (sáo thứ 3). Còn tiếng kêu của sáo còi: “bà gọi, cháu thưa, chắt vỗ tay”. Để nghe được tiếng sáo chuẩn, người chơi diều ngoài sự am hiểu về âm luật, cần phải có đôi tai thính và tâm hồn “thanh tịnh” để cảm nhận tiếng sáo. Nghe tiếng sáo diều là phải “nghe” bằng tai, trái tim và cả sự đam mê. Theo ông, tiếng sáo là những khúc nhạc để cầu an và cũng để… dự báo thời tiết. Bởi tiếng sáo thay đổi theo mùa, nhiệt độ và các loại gió. Căn cứ vào tiếng sáo, người nghe có thể biết được thời tiết trong thời gian tới sẽ như thế nào, nghề nông cũng vì thế mà thuận lợi hơn.

Tiếng tăm của những bộ sáo diều Đại Trà đã vượt khỏi phạm vi thành phố Hải Phòng, hiện vươn ra cả nước và trên thế giới. Nhiều vị khách quốc tế tìm đến đây để chiêm ngưỡng những bộ sáo diều độc đáo và mua làm kỷ niệm. Một điều tự hào đến với tổng Đại Trà là một doanh nghiệp ở Pháp đã làm 20 chiếc diều kèm thêm 20 bộ sáo và tham dự lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Niềm vui ấy cũng là niềm tự hào của cả tổng Đại Trà, bởi họ đã lưu giữ và phát huy được truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại cho đến ngày nay.


Làng nghề mây tre đan Tiên Sa
Gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như thiếu nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào cao, đầu ra cho sản phẩm không ổn định…, song thời gian qua, làng nghề mây tre đan Tiên Sa ( xã Hồng Thái, huyện An Dương) vẫn duy trì ổn định.

Theo người dân làng nghề, có được kết quả này nhờ sự đóng góp không nhỏ của bí thư chi bộ thôn, Giám đốc xí nghiệp tập thể thương binh Hồng Thái Phạm Văn Xưởng.

Công nhân Xí nghiệp tập thể thương binh Hồng Thái chuẩn bị nguyên liệu sản xuất tại xưởng.

“Gọi là làng nghề mây tre đan, nhưng sản phẩm chính của làng nghề là sản phẩm đăng đó. Năm 2007, làng được thành phố công nhận là làng nghề. Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng nghề vào những năm 1985 – 1994″ – ông Xưởng bộc bạch. Thời gian đó, khi gần 40 tuổi, ông Xưởng bắt đầu gắn bó với nghề và đảm nhận công việc chung của làng. Năm 1977, ông xuất ngũ, sau đó xin làm việc tại Cảng Hải Phòng rồi tham gia công tác tại địa phương. Năm 1985, ông thành lập xí nghiệp tập thể thương binh Hồng Thái, giữ cương vị giám đốc xí nghiệp.Từ đó đến nay, công việc của xí nghiệp gắn liền với sự phát triển của làng nghề. Những năm gần đây, trước tác động của nền kinh tế thị trường về giá cả nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, nhân công… làng nghề không còn sôi động như trước. Trước kia, 100% số hộ trong thôn theo nghề, nay chỉ khoảng 15%. Nhiều cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề không trụ vững được. Trước những tác động trên, ông cùng mọi người trong xí nghiệp luôn xác định “đã là nghề truyền thống và người dân Tiên Sa từ trước đến nay vẫn sống bằng nghề làm đăng đó thì nghề này không bị mai một”. Trước khó khăn đặt ra, để giữ sản phẩm làng nghề cần phải bảo đảm chất lượng và giá cả, giảm chi phi đầu vào, bảo đảm nguồn nguyên liệu. Thay vì đặt hàng qua các trung gian, ông đặt hàng trực tiếp tới người dân ở Ba Chẽ, Tiên Yên (Quảng Ninh). Sau đó, nhờ xe vận chuyển về. Trung bình một cây tre có giá 22.000 đồng, ông chỉ mua với giá 14.000 đồng (tiền tre, công vận chuyển). Cùng với đó là tổ chức chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Trước đây, một người phụ trách tất cả công đoạn hoàn thành sản phẩm (từ vót nan đến đan đăng, đó), hiện mỗi người đảm nhận một khâu sản xuất. Khắc phục tình trạng thiếu lao động, các gia đình trong thôn tranh thủ lúc nông nhàn nhận gia công sản phẩm. Việc gia công mở rộng ra các cơ sở ở địa phương khác. Công hoàn thành sản phẩm rẻ hơn trước. “Thay vì mất 7 công, bây giờ chúng tôi mất 3 công để hoàn thành một sản phẩm”- ông Xưởng cho biết. Cũng để bảo đảm nguồn vốn sản xuất, xí nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh như kinh doanh vật liệu xây dựng. 6 năm gần đây, nhờ bảo đảm chất lượng sản phẩm và giá cả nên thị trường làng nghề Tiên Sa được mở rộng sang các tỉnh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh… Thu nhập thường xuyên của hơn 80 lao động đạt trung bình 2,5 triệu đồng/tháng/ lao động trực tiếp tại xưởng, 800.000 đồng/tháng /gia đình nhận gia công. Mới đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, ông đầu tư xây xưởng sản xuất mới. Ông Xưởng khẳng định, làng nghề tiếp tục phát triển nếu tổ chức tốt việc tiêu thụ hàng hoá, tổ chức lực lượng phân phối hàng đến tận tay người có nhu cầu để giảm chi phí vận chuyển. Thời gian tới xưởng sẽ đầu tư mua một số thiết bị máy móc để đa dạng hóa sản phẩm từ mây tre, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Làng nghề chiếu cói Lật Dương
Ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng, ngoài Lật Dương còn có Lật Khê, Chính Nghị và Lêu vốn có nghề dệt chiếu cói. Nhưng bây giờ thì chỉ còn Lật Dương duy trì nghề truyền thống này.

Trước năm 1990, huyện Tiên Lãng cùng với huyện Vĩnh Bảo kề bên là vùng cói lớn không những của thành phố Hải Phòng mà còn của cả miền duyên hải Bắc Bộ. Chỉ kể hai cơ sở chuyên canh là nông trường Vinh Quang (Tiên Lãng) và nông trường Trấn Dương (Vĩnh Bảo) đã có gần 2.000 ha. Cũng trên địa bàn hai huyện còn có hai xí nghiệp chế biến cói, trang bị khá hiện đại, mỗi năm sản xuất hàng vạn sản phẩm từ cói như chiếu, thảm, bao manh, làn, bị cói… thu hút hàng nghìn lao động. Ðã một thời, bao manh cói, làn, bị cói được coi là “mốt” đóng gói hàng vận chuyển xa và đồ xách tay tiện lợi của các bà, các chị nội trợ. Còn chiếu cói thì khỏi nói, có nhà nào lại không mỗi năm mua một, hai đôi về trải giường, nhất là khi Tết đến muốn có chiếc chiếu hoa. Còn bây giờ, hàng ni-lông xâm nhập vào tất cả, từ chiếc làn đi chợ, túi đựng đồ đến bao bì đóng hàng, và dĩ nhiên không loại trừ cả chiếc chiếu trải giường làm bằng ni-lông bày bán đầy dãy ở các siêu thị. Vậy thì cói và nghề dệt chiếu cói ra sao?

Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Doanh thu hàng năm của làng nghề có thời đạt từ 10 – 12 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, làng nghề đứng trước những khó khăn về vốn, nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Trước đây cuộc sống của bà con trong làng khấm khá lên nhờ nghề truyền thống, sản phẩm được tiêu thụ khắp trong và ngoài thành phố. Việc phát triển làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho đại bộ phận người dân. Được biết, tầm tháng 7- 8 âm lịch là thời điểm các hộ dân đi thu mua cói ở các bãi, vùng trong và ngoài thành phố về sản xuất. Tuy nhiên hiện nay ở một số địa phương ven biển, diện tích cây cói bị phá bỏ để khoanh vùng nuôi trồng thuỷ sản đã đẩy nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá thành cao. Vì vậy, tại thời điểm này, các hộ dân trong thôn luôn sản xuất cầm chừng với tâm lý sợ hết nguyên liệu.

Ngoài việc thiếu nguyên liệu, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất cũng còn hạn hẹp. Được công nhận là làng nghề từ năm 1999 với việc thành lập HTX làng nghề chiếu cói Lật Dương nhưng sự đầu tư cho trang thiết bị phục vụ sản xuất ở đây vẫn lạc hậu. Thực tế cho thấy, đại bộ phận các hộ khi đi mua cói đều phải vay tiền ngân hàng, thậm chí bán cả tài sản lấy tiền mua nguyên liệu về làm.

Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu người ở bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, thì người Lật Dương chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu “Chiếu cói Lật Dương” nổi tiếng khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, ra tới Quảng Ninh, lên tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau một thời gian dài mai một, giờ đây làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã trở lại không khí nhộn nhịp, tạo sắc thái mới cho một làng nghề dệt chiếu duy nhất ở thành phố hiện nay.

Nét đặc biệt của làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương là chợ chiều. Chợ được họp từ 12 giờ trưa. Chợ chỉ bán chiếu, người đi chợ đều là người làm nghề và cũng chỉ họp trong khoảng 1 tiếng thì vãn chợ. Đây là một sinh hoạt mang tính đặc thù của làng nghề mà còn ít người được biết.

Làng nghề mây tre đan Ngọc Động – HÀ NAM

Xã Hoàng Đông (Duy Tiên) có diện tích tự nhiên gần 7km2, dân số 6.894 người. Xã có 6 thôn, nơi đây có nghề mây tre đan truyền thống. Trong khi nhiều làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn thì nghề mây tre đan ở đây lại đang trên đà phát triển.

Ngày mới ra đời, ở đây chủ yếu sản xuất ghế mây. Sản phẩm này ngay lập tức được nhiều người chấp nhận bởi mẫu mã đẹp lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Càng ngày tiếng tăm của làng nghề càng vang xa, người về đặt mua sản phẩm, người bán nguyên liệu ngày một tấp nập.

Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề mây tre đan ở Ngọc Động đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi cơ chế. Song lớp thợ Ngọc Động đã trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tìm kiếm thị trường ở Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Nhờ vậy làng nghề đã trụ vững và đi lên.

Nguyên liệu cung cấp cho làng nghề là 2 thứ cây có nhiều ở nước ta: cây giang và cây mây. Các sản phẩm như bát, đĩa, khay, lọ hoa, lọ độc bình, lãng hoa hiện nay rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Có những lọ độc bình cao đến 1,8m, giá xuất xưởng xấp xỉ 500.000đ.

Hiện nay ở Ngọc Động, mô hình sản xuất theo hộ gia đình là chính, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm lại phải thông qua một số người. Điều này thường gặp nhiều ở làng nghề. Những người này có vốn, nắm bắt được thông tin nên họ đứng ra đặt hàng rồi thu gom hàng để bán.

Nghề mây tre đan ở đây có ưu điểm là: vốn ít (chỉ cần từ 300.000 – 500.000đ là tạm đủ cho một hộ 4 người sản xuất), tận dụng được lao động phụ đặc biệt là trẻ em và người già, thu nhập cao (thợ kỹ thuật bậc cao khoảng 25.000 – 30.000đ/ngày, lao động phổ thông cũng đạt 10.000 – 15.000đ/ngày).

Nghề truyền thống đã mang lại cho Ngọc Động những lợi ích kinh tế rõ rệt không thể phủ nhận được. Ngoài ra, những lợi ích khác về xã hội mà làng nghề đem lại cũng không thể tính đếm hết, như đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trẻ em ngoài việc học hành còn tham gia giúp gia đình làm thêm việc đan lát. Những nghệ nhân cao tuổi thì sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng; người già, trẻ em thì làm nan; những ông chủ thì mua gom sản phẩm, tìm kiếm những hợp đồng có giá trị kinh tế; những người trực tiếp làm ra sản phẩm thì phơi, sấy; những người thợ khai thác lại chuẩn bị cho những chuyến đi…

Làng nghề ở Ngọc Động đã tồn tại qua bao thăng trầm. Lớp thợ hôm nay dám nghĩ dám làm để những sản phẩm của mình tiếp tục nối tiếp truyền thống của những người đi trước. Sản phẩm mây tre đan Ngọc Động được khẳng định chẳng những trên thị trường trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đó là một niềm vui không những của riêng người dân Ngọc Động mà còn là niềm tự hào của ngành TTCN tỉnh Hà Nam.


Làng nghề làm dũa An Đổ

Xã An Đổ (Bình Lục) có hơn 8000 nhân khẩu, 2700 hộ. Nơi đây có nghề làm dũa – một nghề độc nhất vô nhị mà chưa làng nghề nào có được ở Việt Nam.

Hiện nay ở An Đổ có hơn 200 hộ sản xuất dũa, tập trung chủ yếu ở thôn Đại Phu. Những năm 1960 – 1964 rồi 1976 – 1982, nghề dũa ở Đại Phu đã tạo ra niềm tin đối với khách hàng xa và gần. HTX tiểu thủ công nghiệp Đại Phu được trang bị máy dập răng, xưởng cơ khí với hơn 200 công nhân, mỗi năm làm ra hơn 400.000 sản phẩm. Dũa của An Đổ đã xuất sang các nước Đông Âu, Lào, Campuchia… thu được nguồn ngoại tệ đáng kể và làm rạng danh cho An Đổ. Ngày ấy, dũa An Đổ đã đăng kí chất lượng 17493 và 3 lần đạt huy chương vàng hội chợ hàng tiểu thủ công nghiệp vào các năm 1980 – 1981 và 1982.

Nguyên liệu làm dũa có 2 nguồn: một là thép cây đặc chủng Y12A của Liên Xô (cũ), hai là các loại vòng bi đã hết hạn sử dụng. Dụng cụ để làm dũa khá đơn giản, gồm đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bễ rèn, đôi càng nạo (nay được thay bằng máy mài chạy điện), axít và xút để tẩy rửa. Nghề làm rũa ở đây đã đi vào chuyên môn hoá, theo 6 khâu cơ bản: tạo phôi, tạo mặt phẳng, tạo răng, tôi luyện, kiểm hoá và đóng gói.

Đầu tiên là dùng lò rèn để xẻ nguyên liệu, tạo phôi bằng khuôn, tạo phôi xong phải mài mặt phẳng (trước đây phải dùng nạo để tạo mặt phẳng vừa lâu vừa tiêu tốn sức lao động, nay đã sử dụng máy mài tạo mặt phẳng), mài xong đến công đoạn băm răng dũa. Công đoạn này cũng làm thủ công. Bởi lẽ băm dũa bằng tay thì gai sắc và gợn hơn băm bằng máy. Khâu cuối cùng trong sản xuất dũa là tôi luyện tạo độ cứng của dũa. Đây thực sưj là bí quyết nghề nghiệp. Những người thợ lành nghề hoàn toàn tôi luyện dũa bằng kinh nghiệm của mắt – nhìn dũa chuyển màu để biết tôi luyện thế nào cho dũa cứng đủ độ, không non quá mà cũng không già quá. Bởi nếu non quá thì dũa kém chất lượng, mà già quá thì hay gãy. Mỗi gia đình làm dũa ở đây đều tự chuyên sâu vào một công đoạn sản xuất, nhờ vậy sản phẩm làm ra chất lượng tốt hơn.

Các loại dũa: dũa tam giác, dũa bán nguyệt, dũa vuông, dũa tròn, dũa chữ nhật, dũa dẹt… với hàng trăm chủng loại từ cỡ 1mm đến 350mm. Những hộ làm dũa ở đây còn nhận làm dũa mỹ nghệ cho các công ty chuyên trạm khắc gỗ, kỹ nghệ vàng bạc. Làm các loại dũa theo đơn đặt hàng đòi hỏi phải có tay nghề cao và việc tôi luyện cũng khó hơn, bù lại thu nhập lại cao khoảng gần 1 triệu đồng/tháng.

Gần 50 năm qua, nghề dũa An Đổ đã từng bước tự khẳng định mình, tạo uy tín trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.

Những năm gần đây, mỗi tháng ở An Đổ xuất 500.000 sản phẩm và chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội, các tỉnh phía nam. Hiện nay dũa An Đổ có mặt trên thị trường của các nước ASEAN.

Những người thợ làm dũa An Đổ vẫn muốn tự mình kí được hợp đồng xuất khẩu chứ không phải qua con đường tiểu ngạch. Họ còn lo nguồn nguyên liệu đầu vào bấp bênh và hy vọng tìm được nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.

Làng nghề thêu ren Thanh Hà
Từ cách đây hơn 100 năm, người dân Thanh Hà đã làm quen với đường kim, sợi chỉ và cuộc sống của họ chẳng biết tự bao giờ đã gắn liền với nghề thêu ren. Không ai biết chính xác là ai đã đem nghề thêu ren về, chỉ biết rằng toàn xã có hơn 8.000 lao động thì đã có đến hơn 6.500 lao động làm nghề.

Xã Thanh Hà nằm ở ven đường Quốc lộ 1A thuộc Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách thị xã Phủ Lý khoảng 10 km về phía nam. Thanh Hà có hai thôn chính làm nghề thêu đó là Thôn An Hoà và thôn Hoà Ngãi, đem lại doanh thu mỗi năm gần 2 triệu USD.

Nhìn những người thợ Thanh Hà thêu có cảm giác như nghề thêu sao mà đơn giản thế, chỉ cần đưa mũi kim lên xuống thế là xong, nhưng quan sát kỹ hơn thì mới thấy là nghề thêu mới thật kỳ công bao gồm nhiều công đoạn trước khi thêu thành sản phẩm, từ việc vẽ những hoạ tiết cần thêu ra giấy, sau đó lại đem hoạ tiết đó trổ vào tấm mica mỏng, nếu muốn mẫu thêu đẹp trước hết mẫu trổ phải đẹp, để rồi sau đó người thợ mang mẫu đã được trổ trên tấm mica mỏng đặt trên tấm vải cần thêu rồi lấy mực quét lên để lại dấu trên vải sau đó mới bắt đầu thêu.

Đối với mỗi người thợ Thanh Hà, mỗi mũi thêu đều đem đến cho họ nguồn cảm hứng vô tận. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những cánh hoa cứ dần hiện lên sống động dù để trang trí vào giữa tấm nệm hay góc khăn tay. Những cánh hoa cũng tạo ra các đường viền trang trí thanh nhã và lãng mạn dọc hàng ngang khăn trải dường, và những tấm màn cửa, chúng cũng có thể được thêu rải rác ngẫu nhiên gợi cho ta nhớ lại những mẫu quần áo thêu hoa giản đơn từ những năm đầu của thế kỷ XVIII… Tất cả đã tạo dựng nên một không gian thêu với đủ loại hoa muôn sắc khoe màu.

Từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, làng nghề Thanh Hà ngày càng mở rộng về không ngừng phát triển. Những năm 80 là thời gian thịnh vượng của làng nghề: sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Những năm 90 đến nay, trong điều kiện thị trường truyền thống bị thu hẹp và thị trường nước ngoài lại đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và thời gian các mặt hàng thêu truyền thống của Thanh Hà vẫn không ngừng phát triển. Nghề thêu Thanh Hà hiện nay không chỉ được những nhà kinh doanh Đông Âu biết đến mà cả những nhà kinh doanh nước ngoài khác như Pháp, Ý, Nhật… về trực tiếp để đặt hàng. Với xu thế phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp thêu ở Thanh Hà không những đảm bảo duy trì các thị trường truyền thống mà còn mong muốn tiếp tục đưa những sản phẩm thêu của mình đến những thị trường mới.

Về Thanh Hà hôm nay, chúng ta càng tin tưởng hơn ở lớp thợ mới đang đứng vững và tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường. Họ đang thổi hồn mình vào các bức tranh, nâng những sản phẩm của một nghề thủ công lên thành những tác phẩm độc đáo.

Làng nghề đan cỏ tế ở Phú Túc

Xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40km về phía nam. Phú Túc được coi là nơi đầu tiên xuất hiện nghề đan cỏ tế.

Vào khoảng thế kỷ 17, dân cư ở Phú Túc còn thưa thớt, đất đai hoang hóa, mọc đầy cỏ dại. Lúc đó, bà Nguyễn Thảo Lâm đến Phú Túc an cư, lập nghiệp và đã phát hiện ra loại cỏ có thể đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình. Thấy vậy, dân trong vùng học làm theo rồi tiếp tục truyền nghề từ đời này sang đời khác. Để ghi ơn người có công phát hiện ra cỏ tế, người dân đã tôn vinh bà là tổ nghề và thờ phụng tại đình làng Lưu Thượng.

Cây cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Từ cỏ tế, người thợ Phú Túc với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như: rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống…

Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp). Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.

Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, những người thợ Phú Túc còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn… để tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã. Với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, các sản phẩm cỏ tế ở Phú Túc không những được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông…

Việc sản xuất hàng xuất khẩu ở Phú Túc đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, có hộ chuyên đan phần thân, hộ khác chuyên phơi, sấy, hun, phun bóng… Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ Phú Túc, cây cỏ tế tưởng chừng như bỏ đi bỗng trở thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật, chinh phục bao du khách tới thăm.

Làng kiềng Phú Thượng – HÀ TĨNH
Từ bao đời nay, làng Phú Thượng, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh) nổi tiếng với nghề đan kiềng (rế). Kiềng của người dân làng Phú Thượng sản xuất không chỉ phục vụ cho nhân dân trong khu vực mà còn được cung cấp cho nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Khác với những vùng quê nông thôn khác, khi về làng Phú Thượng, ngoài những đống rơm rạ còn có những đống tre, giang để khắp mọi nơi. Đến nhà nào cũng thấy mọi người rộn ràng làm các loại kiềng lớn, kiềng bé,… Theo nhiều người lớn tuổi ở trong làng thì từ khi sinh ra dân làng đã có nghề đan kiềng. Kiềng làm ra để chủ yếu để đựng các loại soong, nồi, chảo, ấm… Nó vừa bảo vệ được các vật dụng không bị vỡ, hư hỏng, móp méo mà còn xách mang dễ dàng, sạch sẽ.

Hiện nay, ở làng Phú Thượng không chỉ các ông già, bà lão mà các bậc trung niên, trẻ em cũng đều đan được kiềng. Với lợi thế là địa phương sống gần rừng mà nguyên liệu chính là những cây giang, cây tre nên người dân Phú Thượng rất thuận lợi việc kiếm nguyên liệu để sản xuất kiềng. Vào buổi sáng, mỗi người chỉ cần vào các vùng rừng lân cận chặt vài bó giang đưa về là có thể sản xuất vài ba ngày. Loại giang để làm kiềng là loại cây vừa và nhỏ nên khi chặt về làm kiềng vừa không tác động lớn đến việc phát triển rừng mà còn có tác dụng phát quang cho rừng. Điều đó rất hữu ích khi về mùa nắng sẽ làm giảm lượng thực bì và hạn chế được mức độ nguy cơ của cháy rừng.

Ông Phan Đáo năm nay đã ngoài 86 tuổi nhưng với những đường bẻ (đan) vẫn còn rất điêu luyện, gọn gàng, trong chốc lát ông đã đan xong một cái kiềng. Ông Đáo cho biết: “Nghề đan kiêng ở đây đã có từ rất lâu, có lẽ là từ khi bắt đầu con người biết dùng nồi đất để nấu thức ăn!. Hồi trước, lúc còn khoẻ thì tui có thể vào rừng để chặt cây giang đưa về rồi cho vợ con, cháu chắt làm nhưng mấy năm trở lại đây sức khoẻ đã giảm sút nên chỉ ở nhà ngồi đan. Trong nhà tui hiện nay ai cũng biết và đan thành thạo các loại kiềng”.

Theo nhiều người việc đan kiềng vừa đơn giản, không phải tốn sức lực nhiều mà chỉ cần chăm chỉ, có thời gian. Mặc dù, mỗi chiếc kiềng có giá không phải là cao lắm nhưng chăm chỉ thì mỗi ngày một người cũng có thể thu nhập từ đan kiềng từ 30-50 ngàn đồng.

Ông Dương Hữu Tý – Trưởng thôn Phú Thượng cho hay: “Hiện tại, thôn Phú Thượng có 120 hộ, với 503 khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn đan kiềng để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong thôn hầu như nhà nào, người nào cũng biết đan kiềng nhưng hiện nay chỉ còn khoảng gần một nữa gia đình trong thôn đan kiềng chuyên nghiệp, có thu nhập khá”.

Ngày trước, người dân đan kiềng xong tập hợp lại vài ba chục chiếc rồi chở xuống chợ Vực (Cẩm Duệ) chợ Cẩm Xuyên hay đưa ra chợ tỉnh bán. Nhưng hiện nay, người dân đan được kiềng thì có người từ các nơi đưa xe ô tô về tận nhà thu gom và đưa đi tiêu thụ khắp mọi nơi. Kiềng làm đến đâu có người thu mua đến đấy. Kiềng của Làng Phú Thượng bây giờ không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh nhà mà còn đưa đi phục vụ trong các gia đình ở các tỉnh phía bắc như: Hà nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An… và còn đưa vào các tỉnh phía nam.
Nghề đan kiềng cũng đã giúp cho nhiều người thoát nghèo, có kinh tế ổn định và nuôi dạy con cái trưởng thành. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Xuân hiện đang có hai con học đại học, nhà cửa khang trang. Chị Xuân cho biết: “Nhà tui ngoài làm ruộng ra thì những khi rảnh rỗi ai cũng đan kiềng. Mặc dù đan cái kiềng bán chỉ vài ba ngàn, cao lắm thì hơn chục ngàn đồng nhưng “chăm nhặt chặt bị”. Từ kiềng tui có thể nuôi con cái ăn học trưởng thành, kinh tế tương đối ổn định”. Không chỉ gia đình chị Xuân mà hiện nay làng Phú Thượng còn nhiều nhà nhờ đan kiềng nà đem lại thu nhập khá như: Nguyễn Minh, Nguyễn Thị Lan, Hà Nhuần, Phan Xuân, Bùi Luân, Hà Lý,…

Để giữ gìn và phát huy làng nghề, trong thời gian qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Cẩm Duệ cũng đã có Nghị quyết phát triển làng nghề, động viên và hỗ trợ người dân không ngừng sản xuất, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống đan kiềng.

Làng nghề đan lờ, đó Thủ Sỹ – HƯNG YÊN

Đây là nghề truyền thống lâu đời của xã Thủ Sỹ huyện Tiên Lữ. Trong xã có thôn Tất Viên và Nội Lăng làm nghề đan đó, thôn Ba Hàng làm nghề đan lờ lâu đời và chuyên môn hoá rất cao.

Chỉ riêng một cái đó mà có tới ba làng của hai Tỉnh mới sản xuất hoàn chỉnh: Tất Viên và Nội Lăng chuyên đan đó, Ba Hàng chuyên đan hom, còn làng Hội Động huyện Lý Nhân – Hà Nam bên kia sông Hồng cách hơn mười cây số, chuyên đan Trúm (đuôi đó). Sự phân công ấy hình thành từ bao đời nay trở thành tập quán nghề nghiệp khó thay đổi.

Nghề đan lờ, đó thu hút khoảng 500 lao động của Thủ Sỹ tham gia, già trẻ, trai gái, kể cả người tàn tật miễn chỉ còn đôi tay đều có thể làm được. Tuy nhiên đây là nghề phụ bên cạnh nghề nông lúc nông nhàn. Sản lượng mỗi năm của làng nghề khoảng 650.000 sản phẩm, doanh thu xấp xỉ 2,0 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 250.000 đồng/tháng.

Lờ, đó được tiêu thụ ở vùng đồng chiêm trũng dùng để đơm bắt tôm cá. Hiện nay thị trường tiêu thụ khoảng 2/3 là ở các tỉnh xung quanh. Nghề đan lờ, đó hoàn toàn thủ công, không cần nhiều vốn, nhưng kỹ thuật pha chế nứa làm nan và đan đòi hỏi rất khéo tay.

Triển vọng nghề này tuy không phát triển mạnh song có thể tồn tại trong nhiều năm tới.

Làng dệt chiếu Mỹ Trạch – KHÁNH HÒA

Làng Mỹ Trạch (Ninh Hà, Ninh Hòa) có nghề dệt chiếu từ lâu đời. Chiếu Mỹ Trạch có tiếng không chỉ do đặc tính của cây cói nơi đây (bền, tốt) mà còn kết tinh từ kinh nghiệm, kỹ thuật dệt và cả tấm lòng người thợ. Thế nhưng, cũng như bao làng nghề truyền thống khác, làng dệt chiếu (LDC) Mỹ Trạch đang đi vào suy thoái. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn quyết giữ nghề truyền thống của cha ông.

Một thời vang bóng

LDC Mỹ Trạch ra đời khi nào không ai biết rõ, nhưng người ta chắc chắn một điều là chất lượng chiếu Mỹ Trạch không chê vào đâu được. Nếu đem so sánh cùng một chủng loại, kích cỡ, một đôi chiếu do nơi khác sản xuất chỉ sử dụng được 6 tháng, thì chiếu Mỹ Trạch có thời gian sử dụng gấp đôi! Điều gì làm nên “kỳ tích” đó? Người ta bảo, chiếu Mỹ Trạch làm từ cây cói sống trong nước chà hai. Chính điều kiện đó đã làm cho sợi chiếu Mỹ Trạch săn chắc so với sợi cói nơi khác. Không những vậy, sợi cói Mỹ Trạch còn được sơ chế đặc biệt, “sáng phơi chiều cuốn” khiến sợi cói không bị giòn, trong khi ở nhiều nơi chiếu được phơi sương qua đêm nên sợi cói dễ bị giòn. Cùng với cách xử lý sợi, chiếu Mỹ Trạch còn được hun đúc bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng chiếu. Tình cảm, tấm lòng của họ gửi hết vào khung dệt. Tổng hòa những đặc điểm đó khiến làng chiếu Mỹ Trạch trở nên nổi tiếng.

Chiếu Mỹ Trạch được các thương lái mang đi nhiều nơi, đâu đâu cũng được người tiêu dùng đón nhận với tình cảm chân thành. Do tiêu thụ tốt nên làng nghề ngày càng mở rộng, lúc cao điểm 90% dân số trong làng làm nghề dệt chiếu. Nghề dệt chiếu Mỹ Trạch còn lan sang làng Mỹ Thuận bên cạnh.

Những năm sau giải phóng, nghề dệt chiếu thịnh hành, Ninh Hà thành lập hợp tác xã (HTX) chiếu, xây dựng đội trồng cói thu hút 50-70 xã viên, tổ chức khai hoang, mở rộng diện tích trồng cói đến tận rừng sát. Đến khi phong trào nuôi tôm nở rộ, xã quy hoạch lại diện tích trồng cói khiến ruộng cói bị thu hẹp, nhường chỗ cho vuông tôm nhiều lợi nhuận. Ruộng cói thu hẹp, thiếu nguồn nguyên liệu cũng là lúc phong trào dệt chiếu đi xuống. Tuy nhiên, nông dân Ninh Hà vẫn không bỏ nghề truyền thống, họ chuyển đổi một số ruộng xấu, năng suất kém để trồng cói, đồng thời mua nguyên liệu từ nơi khác về để tiếp tục duy trì làng nghề.

Giữ mãi nghề truyền thống

Một điều lạ là trong khi nhiều làng nghề đi vào mai một thì Mỹ Trạch vẫn duy trì được nghề dệt chiếu truyền thống. Đến thăm nhà chị Nhung (Mỹ Trạch), chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy hai mẹ con chị vẫn say sưa bên khung dệt. Ngồi trên “con ngựa chiến” có mắc sẵn sợi đay làm khung, bé Ngân (học lớp 11) tay thoăn thoắt dồn các sợi chiếu về một phía. Phía ngoài, chị Nhung phóng cái thoi dài, một đầu có gắn sợi chiếu luồn qua khung dệt. Chị tâm sự: “Tôi học nghề này từ cha mẹ, đến khi lấy chồng vẫn tiếp tục làm. Tuy thu nhập không cao (mỗi ngày hai mẹ con chỉ kiếm được 10 ngàn đồng), nhưng cũng có đồng ra đồng vào, có thêm chi tiêu lặt vặt trong gia đình…”. Đối với người dân Mỹ Trạch, tuy thu nhập từ nghề dệt chiếu không cao nhưng đó là niềm tự hào của họ về nghề truyền thống cha ông để lại. Nhiều người bảo, nhà không có lúa nhưng có một kho lác (cói) là xem như có bồ lúa. Nhà không có gạo nấu, chỉ cần chịu khó ngồi vào dệt là xem như chiều có cơm ăn, có dầu chiên. Chính những lạc quan đó đã giúp người dân Mỹ Trạch gìn giữ được làng nghề.

Hiện sản phẩm của làng nghề gồm 2 loại: chiếu carô (chiếu hoa, chiếu đặt) và chiếu hàng (dệt thưa hơn). Giá cả phụ thuộc vào kích cỡ và chất lượng chiếu. Một đôi chiếu 1,4m thương lái mua tại chỗ, nếu chiếu hàng có giá 45.000 đồng, chiếu đặt giá 120.000 đồng; kích cỡ 1,6m chiếu hàng có giá 50.000 đồng, chiếu đặt giá 150.000 đồng. Do nguồn nguyên liệu bị thu hẹp nên người dân phải đặt mua nguyên liệu từ nơi khác, khiến thu nhập giảm xuống. Cói mua ở Nga Sơn (Thanh Hóa), đay mua ở miền Bắc hay kiếm dây trân trên núi. Hiện diện tích trồng cói ở Mỹ Trạch chỉ còn 4 ha.

Mong ước của người dân Mỹ Trạch hiện nay là sớm khôi phục lại làng nghề. Tuy nhiên, việc này không đơn giản. Xác định đây là làng nghề truyền thống phải bảo tồn và phát triển nên xã đã hỗ trợ vốn từ các dự án 120, Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân làm ăn, xem đây là nghề phụ, sử dụng lao động phụ nữ, trẻ em, lao động nông nhàn để tăng thu nhập kinh tế hộ, đảm bảo giữ vững nghề truyền thống, không để mai một theo thời gian.

Nghề đan lát của người Mông La Pán Tẩn YÊN BÁI

La pán Tẩn là một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), đến với La Pán Tẩn du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của quần thể ruộng bậc thang kỳ vĩ mà còn cảm nhận được nhiều điều mới lạ đó là sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người và sự đa dạng của các làng nghề truyền thống. Nơi đây người Mông chiếm 90% dân số, nghề nghiệp của họ gắn liền với sản xuất nông, lâm nghiệp do đó những sản phẩm mà họ làm ra cũng để phục vụ cho chính nhu cầu của đời sống hàng ngày. Trong nhiều nghề truyền thống của người Mông La pán Tẩn thì đan lát là nghề thủ công có từ lâu đời của đồng bào. Có lẽ ngay từ khi còn nhỏ người Mông đã được bao bọc bởi những cánh rừng bạt ngàn tre, trúc. Và vì thế, tâm hồn của họ luôn chất phác, mộc mạc và thật gần gũi với thiên nhiên, ngay cả trong cách thể hiện các sản phẩm đan lát của mình.

Người Mông tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm đan lát, từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển đến một số vật dụng được dùng trong các nghi lễ. Tuỳ từng loại sản phẩm mà người đan sử dụng những nguyên liệu khác nhau chủ yếu là dùng tre và nứa nhưng tốt nhất vẫn là thân cây trúc mà đồng bào trồng ở La Pán Tẩn. Các sản phẩm đều được những người thợ ở đây làm rất công phu, tỉ mỉ, được ken hay quấn bằng tre, nứa hoặc trúc rất độc đáo thể hiện đặc trưng dân tộc tương đối rõ nét như gùi lúa, thúng, canh chủa, mâm, ghế…

Trong các sản phẩm đan lát của đồng bào thì Gùi (Lu cở) của người Mông thuộc loại sản phẩm đặc sắc nhất. Đồng bào thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi, những ngày trời mưa không đi nương để cùng nhau tụ họp bên bếp lửa vừa tâm sự, trao đổi chuyện đời sống sinh hoạt, sản xuất vừa đan Lu cở. Đối với đồng bào dân tộc Mông, chiếc gùi không chỉ là đồ đựng thuần túy mà còn là đồ trang trí thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người đan. Do vậy, trên thân gùi thường có nhiều hoa văn cầu kỳ, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Cái gùi gắn liền với cuộc sống của người phụ nữ Mông từ trẻ đến khi về già. Sống ở trên núi, làm nương làm rẫy, phải trèo đèo lội suối, những chiếc gùi đã giúp những người phụ nữ nơi đây có thể trở tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của họ và gia đình. Hạt lúa, củ khoai, nắm rau đều ở trong gùi và trên vai của người phụ nữ mà về nhà. Do những ưu điểm nó có trong lao động sản xuất nên được đồng bào nơi đây sử dụng rất nhiều chính vì thế nó cũng là sản phẩm đan được người thợ đan lát chế tác nhiều nhất.

Không chỉ đan gùi cho người dùng, đồng bào nơi đây còn đan gùi cho cả ngựa nữa mà tiếng Mông gọi là cang chủa. Những chiếc Cang chủa cũng có sức cuốn hút với bất kì một vị khách nào khó tính. Sự cẩn thận, sự trau chuốt trong từng chiếc nan như biến những người thợ thành những nghệ sĩ đang độc tấu trên sàn diễn. Những bàn tay thoăn thoắt xếp những chiếc nan trúc vào đúng vị trí của nó tạo nên những nét độc đáo và riêng biệt trong từng sản phẩm của đồng bào. Cang chủa được người dân sử dụng để đựng những vật nặng để cho ngựa gùi.

Ngoài những sản phẩm chính, người Mông còn làm một số sản phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày như thúng, ghế, mâm, bộ ép xôi… Tùy từng loại sản phẩm, người Mông sử dụng những kỹ thuật đan lát cổ truyền khác nhau. Đan mâm dùng kỹ thuật đan xiên là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được, còn đan gùi dùng kỹ thuật lóng đôi và lóng ba. Người Mông tin rằng đan gùi lúa phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo thành hoa văn thì người sử dụng chúng mới “ăn nên làm ra”.
Đến với La Pán Tẩn hôm nay du khách sẽ nhìn thấy nhiều đổi khác nhưng không vì thế mà nghề đan lát bị mai một, được sự hỗ trợ bảo tồn nghề truyền thống của Sở Văn Hoá, Thể thao và Du Lịch Yên Bái, nghề đan lát của đồng bào La Pán Tẩn đã từng bước được phát triển và trở thành hàng hoá phục vụ cho đời sống của người dân, nhiều gia đình người Mông nơi đây còn sản xuất thêm một số lượng ít các sản phẩm để mang ra chợ bán hay đan các món đồ nhỏ xinh để làm quà lưu niệm cho du khách khi có dịp ghé thăm.

Có thể nói rằng với sự cần cù khéo léo, những người Mông ở xã La Pán Tẩn – Mù Cang Chải đã “thổi hồn” vào tre, trúc tạo ra những sản phẩm giản dị nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật của người dân miền sơn cước. Họ đáng được tôn vinh bởi tinh thần lao động siêng năng và cũng chính những con người ấy đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống và phát triển du lịch của người Mông ở xã La Pán Tẩn nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung.

Nghề làm tranh đá quý

Từ lâu nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) được biết đến như một “thủ phủ” của đá quý. Không chỉ khai thác đá tự nhiên, người dân đất ngọc còn sáng tạo ra nghề làm tranh đá quý, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Nghề làm tranh từ đá quý không mới bởi đã xuất hiện ở Lục Yên hơn chục năm nay. Thế nhưng, ngày lại ngày, các nghệ nhân và thợ tranh nơi đây vẫn sáng tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới để nâng tầm làng nghề và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nghề lớn cùng năm tháng

Cơ sở chế tác đá quý Hồng Ngọc (thị trấn Yên Thế) là một trong những điểm thu hút nhiều khách hàng đến tham quan và mua sắm bởi sản phẩm đẹp và đa dạng. Hoạt động từ hơn 10 năm nay, cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng – chủ cơ sở chế tác tranh đá quý Hồng Ngọc cho biết: “Là cơ sở chuyên chế tác đá quý, trong đó có làm tranh đá, chúng tôi đào tạo thợ từ việc nhỏ tới việc lớn. Khi đã thành thạo, mức lương của thợ đạt 2 – 4 triệu đồng/tháng”.

Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu, từ việc sơ chế đá, chuốt đá, nghiền đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá… đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ. Một bức tranh đá quý khổ nhỏ, trung bình 2-3 ngày mới hoàn thành. Còn với những bức tranh cỡ lớn, nhiều hoạ tiết thì có khi phải mất cả tuần. Mỗi bức tranh thành công là sự kết hợp hài hoà giữa ý tưởng phối cảnh của hoạ sĩ với đôi bàn tay khéo léo của thợ ghép đá, chăm chút công phu từng hoạ tiết.

Hầu hết lao động của các cơ sở chế tác tranh đá quý đều là đội ngũ thanh niên trẻ đến từ các xã miền núi ở Lục Yên, có đầu óc sáng tạo, ham học hỏi. Chị Vương Thị Hằng ở xã Minh Xuân cho biết: “Tôi làm nghề chế tác tranh đá quý được hơn 7 năm. Bước đầu học nghề cũng vất vả. Nghề này phải chịu khó, tỉ mỉ, ham học hỏi và sáng tạo thì tay nghề sẽ được nâng lên. Tay nghề cao thì sẽ có thu nhập ổn định”.

Hình thành làng nghề

Đến thăm các cơ sở chế tác tranh đá quý trên địa bàn huyện Lục Yên, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi những bức tranh cỡ lớn được làm từ nguyên liệu đá bạch ngọc, thạch anh… với nhiều chủng loại, đa dạng về đề tài và màu sắc, từ bộ tranh tứ mùa, tứ bình bát mã đến tranh phong cảnh, tranh mãnh thú…

Tranh đá quý được được vẽ lên tấm mica hoặc gỗ. Để đính đá và bột đá lên mặt tranh, thợ tranh dùng keo đặc biệt nhỏ xuống, chỉ sau vài phút là keo khô, bột đá cũng dính chắc mà không làm mất sắc màu của đá. Trước khi ghép đá màu tạo đường nét, khối hình, thợ phải rải một lớp đá trắng (bột cẩm thạch) khắp mặt tranh để lót nền cho đẹp. Bởi vậy, bức tranh đá thường rất dày và nặng.

Hiện nay, tại Lục Yên đã hình thành một làng nghề với gần 30 cơ sở sản xuất tranh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế. Dù mới thành lập vài năm nhưng làng tranh đá quý này không ngừng phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lục Yên cho biết: “Mỗi hộ làm nghề hiện có từ 5 – 30 lao động, tính riêng nghề làm tranh đá đã giải quyết việc làm cho 250 lao động địa phương. Doanh thu từ nghề năm 2010 đạt hơn 10 tỷ đồng”.

Tổng doanh thu từ nghề chế tác, làm tranh đá quý ở Lục Yên cho thấy đây là nghề đang có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế. Lục Yên hiện đang có nhiều cơ sở lớn như: Công ty Việt Phương, Công ty TNHH Đức Tín – Ngọc Đại Phát, Cơ sở Tích Tuyết, Ngọc Sơn Lâm, Dung Mến… đều kinh doanh cả mặt đá trang sức, tranh và đá gốc. Có thể nói các cơ sở sản xuất, kinh doanh tranh, đá quý đã và đang góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho những lao động ở nông thôn.

Online: 2 Total: 1308883